Lạm phát là gì? Nguyên nhân và ảnh hưởng của lạm phát tới nền kinh tế

Estefania Tellez - October 9, 2024 - 7 days ago

Lạm phát là hiện tượng tăng giá chung của hàng hóa và dịch vụ trong một nền kinh tế liên tục trong một khoảng thời gian nhất định, đi kèo với sự mất giá tiền tệ. Để hiểu rõ hơn về lạm phát là gì, các nguyên nhân gây ra lạm phát và những ảnh hưởng của lạm phát tới nền kinh tế thì mời bạn tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.

Định nghĩa lạm phát là gì? 

Lạm phát là sự tăng giá liên tục của hàng hóa và dịch vụ trong một nền kinh tế, thường được đo lường bằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hoặc chỉ số giá sản xuất (PPI). Khi lạm phát xảy ra, sức mua của đồng tiền giảm, có nghĩa là người tiêu dùng cần phải chi nhiều tiền hơn để mua cùng một lượng hàng hóa và dịch vụ so với trước đây.

Ví dụ cơ bản về lạm phát là gì như sau: Năm 2021 bạn chỉ cần bỏ ra khoảng 30.000 đồng cho một tô phở thì tới năm 2024, một bát phở có giá 50.000 đồng. Như vậy, cùng mua một tô phở nhưng năm 2024 bạn đã phải chi ra một số tiền lớn hơn so với năm 2021. Nếu nhiều loại hàng hóa cùng tăng giá như vậy thì lạm phát tăng lên.

Lạm phát trái ngược hoàn toàn với giảm phát, khi đó giá giảm nhưng sức mua của đồng tiền lại tăng cao. 

Lạm phát là gì?

Nguyên nhân gây ra tình trạng lạm phát là gì?

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra lạm phát, trong đó có các nguyên nhân chính như:

Lạm phát cầu kéo (Demand-Pull Inflation)

Lạm phát cầu kéo xảy ra khi tổng cầu trong nền kinh tế vượt quá tổng cung. Khi người tiêu dùng, doanh nghiệp, hoặc chính phủ chi tiêu nhiều hơn, cầu tăng nhanh so với năng lực sản xuất của nền kinh tế và dẫn đến việc tăng giá. Một mặt hàng tăng giá kéo theo đó là nhiều mặt hàng khác tăng giá theo.

Lạm phát chi phí đẩy (Cost-Push Inflation)

Lạm phát chi phí đẩy xuất hiện khi chi phí sản xuất hàng hóa và dịch vụ tăng, buộc các nhà sản xuất phải tăng giá để duy trì lợi nhuận. Nguyên nhân có thể tới từ việc tăng giá nguyên liệu đầu vào, chi phí lao động, hoặc thuế. Một ví dụ điển hình là giá dầu tăng, ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển và sản xuất. Chi phí vận chuyển và sản xuất tăng sẽ dẫn tới tăng giá sản phẩm và dịch vụ.

Lạm phát cấu trúc (Structural Inflation)

Phát sinh từ những vấn đề trong cấu trúc nền kinh tế, như sự thiếu hụt hàng hóa, mất cân đối trong phân phối nguồn lực, hoặc sự yếu kém trong cạnh tranh. Điều này có thể dẫn đến tăng giá mà không có sự thay đổi tương ứng trong cầu.

Lạm phát do xuất nhập khẩu

Khi xuất khẩu tăng nhanh thì người ta sẽ thu gom hàng hóa nhiều phục vụ cho việc xuất khẩu khiến nguồn cung trong nước khan hiếm, giá bị đẩy cao. Tương tự nếu nhập khẩu tăng thì giá bán hàng nhập khẩu trong nước cũng tăng theo, mức giá chung bị đội lên, dần dần sẽ dẫn tới lạm phát.

Lạm phát tiền tệ

Khi ngân hàng nhà nước mua rất nhiều những loại trái phiếu theo yêu cầu của Nhà nước dẫn tới lượng tiền lưu thông sử dụng trong nước tăng. Hay ở một số trường hợp khác, ngân hàng mua ngoại tệ để bình ổn tỷ giá đồng tiền trong nước với ngoại tệ cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng lạm phát.

Nguyên gây ra lạm phát là gì?

Các mức độ của lạm phát là gì?

Lạm phát có thể được phân loại thành các mức độ khác nhau dựa trên tỷ lệ tăng giá. Dưới đây là một số mức độ phổ biến của lạm phát:

  • Lạm phát điều hòa (Creeping Inflation): Mức độ lạm phát thấp thường dao động từ 1% đến 3% mỗi năm. Đây là mức độ lạm phát mà hầu hết các nền kinh tế phát triển thường chấp nhận, vì nó không gây ra ảnh hưởng tiêu cực lớn đến sức mua và tăng trưởng kinh tế. Nếu lạm phát điều hòa được kiểm soát tốt thì người dân và nhà đầu tư có thể dự đoán và điều chỉnh chi tiêu hay đầu tư hợp lý, hiệu quả.

  • Lạm phát vừa (Moderate Inflation): Tỷ lệ lạm phát nằm trong khoảng 3% đến 10% mỗi năm. Ở mức độ này, người tiêu dùng bắt đầu cảm thấy áp lực về giá cả, và có thể dẫn đến sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng.

  • Lạm phát cao (Galloping Inflation): Tỷ lệ lạm phát vượt quá 10% nhưng không quá 50% mỗi năm. Lạm phát cao có thể gây ra sự không ổn định trong nền kinh tế, làm giảm sức mua và ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư.

  • Siêu lạm phát (Hyperinflation): Đây là mức độ lạm phát cực kỳ nghiêm trọng khi tỷ lệ lạm phát vượt quá 50% mỗi tháng. Siêu lạm phát dẫn đến sự sụp đổ của giá trị đồng tiền, làm cho người dân mất niềm tin vào tiền tệ. 

  • Lạm phát âm (Deflation): Lạm phát âm xảy ra khi mức giá chung giảm liên tục, điều này cũng có thể dẫn tới sự trì trệ trong nền kinh tế, vì người tiêu dùng có thể hạn chế tiêu dùng với hy vọng giá tiếp tục giảm.

Đo lường lạm phát bằng chỉ tiêu gì?

Để đo lường lạm phát, các nhà kinh tế áp dụng nhiều chỉ số khác nhau như:

  • Chỉ số giá tiêu dùng (CPI - Consumer Price Index): CPI là chỉ đo lường sự thay đổi giá cả của một rổ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng theo thời gian của người tiêu dùng điển hình. Đây là chỉ số phổ biến nhất để đo lường lạm phát và thường được sử dụng để điều chỉnh tiền lương, trợ cấp và các hợp đồng. CPI cũng đo giá của hàng hóa sản xuất trong nước cũng như hàng hóa nhập khẩu.

  • Chỉ số giá sản xuất (PPI - Producer Price Index): PPI đo lường sự thay đổi trung bình trong mức giá sản xuất trong nước cho các hàng hóa hay dịch vụ trước khi tới tay người tiêu dùng. Chỉ số này cung cấp thông tin về xu hướng giá cả trong sản xuất và có thể dự đoán lạm phát trong tương lai.

  • Chỉ số giá cơ bản (Core Inflation Index): Chỉ số này loại bỏ các yếu tố có tính biến động cao như thực phẩm và năng lượng để đo lường xu hướng lạm phát cơ bản. Nó giúp các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn rõ hơn về áp lực lạm phát lâu dài.

  • Chỉ số giá hàng hóa (GDP Deflator): Chỉ số này tính toán tỷ lệ giữa GDP danh nghĩa và GDP thực tế, phản ánh sự thay đổi giá cả của tất cả hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế. Đây là chỉ số tổng quát hơn và không chỉ dựa trên rổ hàng hóa tiêu dùng.

  • Chỉ số chi phí sinh hoạt (Cost of Living Index): Chỉ số này đo lường sự thay đổi trong chi phí sinh hoạt của người dân, bao gồm các yếu tố như nhà ở, thực phẩm, y tế và giáo dục. Nó giúp phản ánh mức độ ảnh hưởng của lạm phát đến cuộc sống hàng ngày.

  • Chỉ số lạm phát ẩn (Underlying Inflation Index): Chỉ số lạm phát ẩn phản ánh xu hướng lạm phát không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tạm thời, giúp xác định áp lực lạm phát lâu dài.

Chỉ tiêu đo lường lạm phát

Những ảnh hưởng của lạm phát là gì?

Lạm phát có nhiều ảnh hưởng tới nền kinh tế bao gồm cả ảnh hưởng tích cực và tiêu cực. 

Về mặt tích cực

Với các cá nhân, tổ chức có tài sản hữu hình ví dụ như bất động sản hay tài sản dự trữ khác định giá bằng nội tệ thì tình trạng lạm phát có thể làm tăng giá trị tài sản.

Mức độ lạm phát vừa phải dưới (dao động dưới 5% với những nước phát triển và dưới 10% đối với những nước đang phát triển) thường khuyến khích chi tiêu ở một mức độ vừa phải thay vì tiết kiệm. Nếu sức mua đồng tiền giảm dần theo thời gian thì có động cơ lớn để chi tiêu thay vì tiết kiệm rồi chi tiêu trong tương lai.

Chi tiêu tăng cao kích thích sự phát triển trong những hoạt động kinh tế khác, hoạt động đầu tư vay nợ cũng vì thế mà sôi động hơn, các doanh nghiệp phát triển tốt thì người lao động cũng có việc làm ổn định, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống.

Về phía Nhà nước và Chính phủ, lạm phát tăng cũng có thêm khả năng để lựa chọn các công cụ kích thích đầu tư đối với những mảng kém ưu tiên bằng cách mở rộng tín dụng, điều phối lại thu nhập và những nguồn lực trong xã hội theo các định hướng mục tiêu và trong khoảng thời gian nhất định.

Những ảnh hưởng của lạm phát

Về mặt tiêu cực

Tác động tới lãi suất

Tỷ lệ lạm phát tăng cao thì lãi suất danh nghĩa cung tăng theo để duy trì lãi suất ổn định và thực dương. Lãi suất danh nghĩa tăng theo tỷ lệ lạm phát có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng, bao gồm cả suy thoái kinh tế và tăng tỷ lệ thất nghiệp, chi phí vay mượn cũng tăng cao, giảm nhu cầu tiêu dùng, đầu tư.

Ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập thực tế

Lạm phát tăng nhưng thu nhập danh nghĩa không thay đổi ảnh hưởng tới thu nhập thực tế của người lao động. Lạm phát không chỉ làm mất giá trị thực của tài sản mà còn ảnh hưởng tới giá trị của các tài sản có lãi. Bởi chính sách thuế phần lớn dựa trên thu nhập danh nghĩa, việc này cũng sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm trong các khoản lãi và lợi nhuận, giảm thu nhập thực tế của người dân.

Tác động tới sự phân phối thu nhập

Lạm phát tăng, giá trị của đồng tiền giảm, những người đi vay sẽ có lợi do giá trị thực của khoản nợ giảm. Nhu cầu vay vốn tăng, đẩy lãi suất tăng cao. Người giàu thường sử dụng tiền để mua sắm tài sản và hàng hóa đầu cơ, dẫn tới sự mất cân đối trong hệ thống cung cầu hàng hóa trên thị trường. Hệ quả là giá cả càng sốt cao hơn. Trong khi người nghèo khó khăn trong việc chi tiêu hàng hóa thiết yếu thì người giàu lại càng trở nên giàu có hơn, tạo ra sự bất ổn xã hội, chênh lệch giàu nghèo.

Tác động tới nợ quốc gia

Mặc dù chính phủ có thể thu lợi từ việc đánh thuế thu nhập của người dân khi lạm phát gia tăng nhưng các khoản nợ nước ngoài lại càng trở nên khổng lồ hơn. Nguyên nhân chính là lạm phát khiến tỷ giá hối đoái tăng, đồng nội tệ mất giá hơn so với ngoại tệ. Điều này khiến cho gánh nợ chính phủ tăng, ảnh hưởng tới sự ổn định chính trị quốc gia.

Một số những phương pháp kiểm soát lạm phát

Để kiểm soát lạm phát trước hết phải giữ vững và ổn định giữa giá trị đồng tiền nội tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tạo nền tảng để phát triển kinh tế bền vững.

Ngoài ra, ngân hàng nhà nước cần điều chỉnh thực hiện linh hoạt lãi suất và công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái một cách linh hoạt...

Bình ổn giá đối với các mặt hàng do nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai trên lộ trình thị trường cần phải chủ động trong việc tính toán và chuẩn bị những phương án giá để có thể triển khai điều chỉnh theo quy định và bối cảnh chung.

Với những mặt hàng cụ hàng cụ thể, cần có sự theo dõi sát sao diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường để có biện pháp điều hành phù hợp.

Có thể nói lạm phát là điều tất yếu phát sinh trong bất kể nền kinh tế nào. Lạm phát quá cao khiến suy thoái kinh tế và cuộc sống người dân nghèo khổ hơn. Nhưng lạm phát ở một góc nhìn nào đó cũng tác động tích cực riêng, vì vậy kiểm soát tốt lạm phát sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững.

Bài viết mới nhất